Tag: Hoàng Hưng

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 28)

    Hoàng Hưng

    281. Conflict behavior: Hành vi xung đột

    Hành vi do trải nghiệm hai trạng thái động lực không tương thích cùng một lúc. Thường xảy ra như kết quả của một xung đột tiếp cận-tránh né(approach-avoidance conflict). Ví dụ: khi một con vật đói bụng phải rời chỗ ẩn náu để kiếm ăn trước sự có mặt của một con thú săn mồi (việc kiếm ăn đối nghịch nỗi sợ) hay khi một con đực đi vào lãnh thổ của con đực khác trước sự có mặt của một con cái có tiềm năng cặp đôi (xâm hấn đối nghịch tính dục). Hành vi xung đột có thể biểu lộ trong sự xen kẽ tiếp cận-rút lui hay trong hành vi không liên quan đến một trong những hành vi liên hệ đến xung đột.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 27)

    Hoàng Hưng

    271. Conceptually driven process: (sự) Xử lí theo dẫn dắt của khái niệm

    Một hoạt động tâm trí tập trung chú ý trước hết vào những khía cạnh có nghĩa của một kích thích, đối lập với những khía cạnh tri giác của nó. Đó là tiến trình xử lí từ trên xuống (top-down processing) trong đó việc xử lí đầu vào cảm nhận được dẫn dắt bởi khái niệm đã có được từ kinh nghiệm học. So sánh với “data-driven process” (xử lí theo dẫn dắt của dữ kiện).

    272. Concrete attitude: Thái độ cụ thể

    Một phong cách nhận thức hướng về các đối tượng chuyên biệt và các kích thích tức thời. Một người thể hiện một thái độ cụ thể thì có xu hướng không thực hiện những so sánh trừu tượng và sẽ không thường đáp lại những phẩm chất, khái niệm hay phạm trù trừu tượng. So sánh với “abstract attitude” (thái độ trừu tượng).

    273. Concrete operational stage: Giai đoạn thao tác cụ thể

    (trong lí thuyết của Jean Piaget): Giai đoạn thứ 3 của sự phát triển nhận thức, diễn ra từ 7-11 tuổi, trong đó trẻ có thể giải tập trung phiến diện (decentration) tri nhận của mình, bớt ngã qui (egocentric), và có thể suy nghĩ một cách logic về các đối tượng cụ thể và về các tình thế hay trải nghiệm chuyên biệt dính với những đối tượng ấy.

    274. Concretism: Tâm thức cụ thể

    – (trong Tâm lý học Phân tích của Carl Jung): Một kiểu tư duy hay cảm thức phụ thuộc vào cảm giác vật chật tức thời và thể hiện sự thiếu hoặc không có năng lực trừu tượng. Trong một số xã hội truyền thống, tư duy này có thể biểu hiện trong niềm tin vào vật bùa và ma thuật. Trong thế giới hiện đại, nó có thể biểu hiện như sự thiếu năng lực suy nghĩ vượt lên những thực kiện vật chất hiển nhiên của một tình huống.

    – (trong lí thuyết của Jean Piaget): Tâm thức của trẻ ở giai đoạn thao tác cụ thể.

    275. Confirmation bias: Thiên kiến xác nhận

    Khuynh hướng đo nghiệm niềm tin hay phỏng đoán của bản thân bằng cách đi tìm bằng cứ có thể xác nhận hay chứng thực nó và bỏ qua bằng cứ có thể không xác nhận hay bác bỏ nó. Thiên kiến này giúp duy trì các định kiến và khuôn mẫu có sẵn.

    276. Conjunction fallacy: Nguỵ tín về tiếp hợp

    Một phán đoán sai lầm phổ biến theo đó sự kết hợp hai hay nhiều thuộc tính được xem là khả thể hoặc dễ tin hơn là một thuộc tính do chính nó. Được nhận dạng và đặt tên vào năm 1982 bởi các nhà Tâm lý học người Mĩ gốc Israel Amos Tversky (1937-96) và Daniel Kahneman (1934-), các ông trình bày với sinh viên những phác hoạ nhân cách của một người giả định tên là Linda (trẻ, độc thân, quan tâm sâu đến những vấn đề xã hội và tham dự hoạt động chống hạt nhân) và hỏi họ liệu điều nào sau đây khả thể hơn: (a) Linda là thu ngân viên ngân hàng (b) Linda là thu ngân viên ngân hàng hoạt động trong phong trào nữ quyền. 86% sinh viên cho rằng (b) khả thể hơn (a). Đó là một nguỵ tín, vì một nguyên tắc sơ đẳng về lí thuyết khả thể là: tính khả thể của sự tiếp hợp (a) với (b) không bao giờ loại trừ tính khả thể của a hay của b. Nguỵ tín này xuất hiện từ việc sử dụng phép nghiệm suy biểu trưng, vì Linda dường như điển hình cho một thu ngân viên nữ quyền hơn là một thu ngân viên thuần tuý.

    277. Connectionism: Thuyết kết nối

    Một cách tiếp cận với trí khôn nhân tạo bao hàm việc thiết kế những hệ thống thông minh gồm những mạng lưới thần kinh trong đó các khoản mục kiến thức được biểu trưng không phải bằng những vị trí hay đơn vị đơn nhất mà bằng những mẫu kích hoạt các bộ sưu tập các đơn vị, những mẫu này được thích nghi tối đa để có khả năng học từ trải nghiệm. Lần đầu được đưa vào một bài viết năm 1948 trong tạp chí “Intelligent Machinery – Cỗ máy thông minh” của nhà toán học người Anh Alan Mathison Turing (1912-54), nhưng chỉ nổi tiếng sau khi xuất hiện vào năm 1981 một hình mẫu về kết nối của trí nhớ nhân tạo của nhà khoa học nhận thức người Mĩ James Lloyd Mclelland (1948-). Bài viết của Turing có phần đã được nói đến trước vào năm 1943 bởi nhà Tâm lý học thần kinh người Mĩ Warren Sturgis McCulloch (1898-1986) và nhà logic học người Mĩ Walter Pitts (1923-69), nhưng phiên bản này thiếu hẳn khả năng học. Cũng gọi là paralell distributed processing – xử lý phân phối song song.

    278. Connotation: Hàm ý, ý liên tưởng

    Sự liên tưởng được gợi ý hoặc bao hàm bởi một từ hay ngữ. Ví dụ: từ mẹ có những hàm ý là mái nhà, gia đình, tình mẫu tử… những ý nghĩa này nên được phân biệt với nghĩa của từ.

    279. Conscientiousness: Tính tận tâm

    Một trong Năm nhân tố lớn của nhân cách, có đặc trưng là tính tổ chức, thấu đáo, khả tín và thực hành, và tương đối không có sự bất cẩn, trễ nải và bất khả tín. Cũng gọi là dependability (tính khả thuộc: bản tính khiến cho người khác có thể dựa vào mình).

    280. Conservation: (sự) Bảo toàn

    Một thuật từ được nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Jean Piaget (1896-1980) đưa vào để chỉ sự hiểu rằng số lượng vật chất không bị tác động bởi một số biến đổi làm thay đổi vẻ ngoài của nó. Conservation of number (bảo toàn con số) là sự không đổi của con số các vật thể khi sự sắp xếp về không gian thay đổi, conservation of substance (bảo toàn chất liệu) là sự không đổi của một dung dịch khi đổ qua vật chứa có hình dạng khác, conservation of mass (bảo toàn khối lượng) conversation of volume (bảo toàn dung tích) là sự không đổi về khối lượng và dung tích của một miếng nhựa, cục bột nặn hay vật liệu tương tự khi được đúc vào một khuôn có hình dạng khác. Các kiểu bảo toàn khác nhau thường xuất hiện ở những giai đoạn phát triển khác nhau của đứa trẻ, đầu tiên là con số và chất liệu, rồi đến khối lượng, rồi dung tích; bảo toàn con số và chất liệu xuất hiện một cách điển hình ở tuổi 7-8. Việc không nắm được sự bảo toàn con số ở một đứa bé ở giai đoạn tiền thao tác có thể được chứng minh như sau: xếp một dãy cốc đựng trứng, mỗi cốc đựng 1 quả trứng, yêu cầu trẻ xác nhận con số cốc ngang bằng với con số trứng, rồi lấy số trứng ra xếp lại xít nhau thành dãy ngắn hơn dãy cốc, và hỏi trẻ số trứng có nhiều hơn số cốc, hay số cốc nhiều hơn, hay hai con số như nhau? Đứa trẻ chưa nắm được sự bảo toàn con số thường tin rằng có nhiều trứng hơn, vì dãy trứng dài hơn. Những biến thể của thí nghiệm này lần đầu được mô tả bởi Jean Piaget năm 1941 trong sách La genèse du nombre chez l’enfant (Sự phát sinh phát triển con số ở trẻ em).

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 26)

    Hoàng Hưng

    261. Compromised formation: (sự) Hình thành thoả hiệp

    (phân tâm học): Một hình thức mà ước muốn, ý nghĩ, hay kí ức bị đè nén tự khoác áo để đi vào được ý thức như một triệu chứng, thường mang tính thần kinh, một giấc mơ, một parapraxis (hành động hay lời nói lỡ, nhịu) hay biểu thị khác của hoạt động vô thức. Ý nghĩ gốc bị bóp méo vượt khỏi khả năng nhận biết để cho yếu tố vô thức cần đè nén và ý thức cần được bảo vệ khỏi nó đều thoả mãn phần nào nhờ sự thoả hiệp. Ý tưởng này được Sigmund Freud (1856-1939) đưa vào năm 1896 trong bài viết “Nhận xét thêm về những chứng thần kinh-tâm thần của sự phòng vệ” và sau đó phát triển trong sách “Những bài giảng Dẫn nhập về Phân tâm học” (1916-17). “Hai lực vốn không khế hợp lại gặp nhau một lần trong triệu chứng và được hoà giải. Cũng vì thế mà triệu chứng thật dai dẳng: nó được cả hai phía chống đỡ”.

    262. Compulsion: (sự) Thúc ép

    Một mẫu hành vi lặp đi lặp lại (như rửa tay, đề phòng, kiểm tra) hay hoạt động tâm trí (như cầu nguyện, đếm, thầm đọc những câu, từ) mà một người cảm thấy buộc phải thực hiện theo những luật lệ hay nghi thức nghiêm ngặt, nhắm rũ bỏ lo âu hay tránh được một kết quả kinh sợ nào đó. Hành vi hay hoạt động tâm trí có thể là quá mức hay không thực sự có khả năng đạt được mục tiêu ham muốn, và được nhận biết là thế bởi chính người thực hiện.

     263. Concept formation: (sự) Hình thành khái niệm

    Khái niệm là một biểu trưng, ý tưởng, hay suy nghĩ trong tâm trí, tương ứng với một thực thể chuyên biệt hay một lớp thực thể, hay sự định nghĩa hoặc những đặc điểm nổi bật mang tính nguyên mẫu của thực thể hay lớp, có thể là cụ thể hay trừu tượng. Theo một số nhà nghiên cứu có thẩm quyền, để có được một khái niệm đủ tư cách, tiến trình tâm trí phải có ý thức: trẻ nhỏ không có các khái niệm về danh từ hay động từ mặc dù hành vi ngôn ngữ của các em cho thấy các em hiểu những khái niệm ấy và có thể phân biệt hai cái.

    Tiến trình thu nhận được hay học được một khái niệm thường là từ những ví dụ về những khoản mục thuộc về phạm trù của khái niệm và những khoản mục không thuộc về nó. Nói chung, việc này bao hàm học cách phân biệt và nhận biết những thuộc tính thích đáng mà theo đó các khoản mục được phân loại và những qui tắc chỉ huy việc kết hợp những thuộc tính thích đáng vốn có thể không có liên hệ với nhau, như trong khái niệm về một đồng tiền kim loại (có thể có hình tròn, đa giác, hay hình nhẫn). Cũng gọi là concept identification (nhận dạng khái niệm) hay concept learning (học khái niệm).

    264. Concrete operations: (các) Thao tác cụ thể

    (lý thuyết phát triển nhận thức của Jean Piaget (1896-1980)): Giai đoạn phát triển nhận thức giữa các độ tuổi 7-12, trong giai đoạn ấy đứa trẻ trở nên thành thạo việc thao tác với những biểu trưng nội tâm của các vật thể vật chất và đạt được sự nắm vững những hình thức bảo tồn khác nhau của vật thể (bảo tồn dung tích, khối lượng…).

    265. Condensation: (sự) Cô đúc

    (phân tâm học): Biểu trưng của nhiều chuỗi liên tưởng trong tâm trí bằng một ý nghĩ đơn nhất. Hiện tượng này được biểu thị trong các giấc mơ, các triệu chứng thần kinh, lời đùa cợt, và những biểu thị khác của hoạt động vô thức, và là đặc trưng của tiến trình sơ cấp. Sigmund Freud là người đầu tiên nói đến hiện tượng vào năm 1900 trong sách Diễn giải các giấc mộng. Năm 1916-17, khi sách Các bài giảng dẫn nhập về phân tâm học xuất bản, ông đã đi đến chỗ coi sự cô đúc có thể không trực tiếp có lý do ở sự kiểm duyệt nhưng dẫu sao nó phục vụ cho lợi ích của kiểm duyệt. Trong một bài viết trên tập san La Psychoanalyse (Phân tâm học) năm 1957, nhà phân tâm học người pháp Jacques Lacan (1901-81) liên hệ sự cô đúc với metaphore (ẩn dụ) và cơ chế phòng vệ của displacement (sự dịch chuyển) với metonymy (hoán dụ).

    266. Conditional positive regard: Thái độ tích cực có điều kiện

    Một thái độ chấp nhận và đánh giá tốt được biểu đạt bởi những người khác dựa trên một cơ sở có điều kiện, tức là phụ thuộc vào sự tiếp nhận của cá nhân và những tiêu chuẩn cá nhân của những người khác. Trong lí thuyết về nhân cách này, Carl Rogers cho rằng trong khi nhu cầu về thái độ tích cực là phổ quát, thì thái độ có điều kiện đi ngược lại sự phát triển và hiệu chỉnh Tâm lý học lành mạnh ở người tiếp nhận nó.

    267. Conditional strategy: Chiến lược có điều kiện

    Năng lực của các cơ thể phát triển những chiến lược hành vi khác nhau phù hợp với những hoàn cảnh và điều kiện hiện tại. Chẳng hạn, một con vật giống đực trưởng thành có thể bảo vệ một cách tích cực một lãnh thổ và canh giữ các con cái, trong khi một con đực non giữ tư cách satellite male (con đực vệ tinh) không tạo thành và bảo vệ lãnh thổ mà lại toan tính giao phối với những con cái có thể có được. Nếu con đực đầu đàn chết hay biến mất, con đực non có thể nhanh chóng thay đổi chiến lược để trở thành con đực bảo vệ lãnh thổ.

    268. Conditioning: (sự) Điều kiện hoá

    Tiến trình học thông qua đó hành vi của cơ thể trở nên phụ thuộc vào kích thích của môi trường. Hai hình thức hàng đầu của nó là classical/ Pavlovian conditioning (điều kiện hoá kinh điển/ kiểu Pavlov) và operant/ instrumental conditioning (điều kiện hoá thao tác / mang tính công cụ).

    269. Condition of worth: Điều kiện của giá trị

    Tình trạng một cá nhân coi sự yêu thương và tôn trọng là có điều kiện, khi được sự tán thưởng của những người khác. Niềm tin này xuất phát từ cảm giác của đứa trẻ thấy mình đáng được yêu thương dựa trên cơ sở sự tán thưởng của cha mẹ. Khi cá nhân trưởng thành, người ấy có thể tiếp tục cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương tôn trọng chỉ khi nào biểu đạt những hành vi được mong muốn [đề xuất của Carl Rogers].

    270. Confabulation: (sự) Nguỵ tạo kí ức

    Sự nguỵ tạo kí ức trong đó những lỗ hổng của trí nhớ được lấp bằng những sự nguỵ tạo mà cá nhân chấp nhận như sự thật. Nó không bị coi hoàn toàn như toan tính có ý thức lừa bịp người khác. Một số nhà nghiên cứu có thẩm quyền coi đó là “honest lying” (sự nói dối lương thiện). Hiện tượng này thường xảy ra trong hội chứng Korsakoff (gọi theo tên nhà tâm thần học người Nga TK 19) và ở chừng mực nhỏ hơn trong những điều kiện khác liên kết với chứng mất trí nhớ có nguyên nhân cơ hữu. Trong pháp y, nhân chứng có thể nguỵ tạo chứng cứ nếu bị áp lực phải nhớ lại quá sức nhớ của mình.

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 25)

    Hoàng Hưng

    251. Coming out: (sự) Bộc lộ giới tính

    Bộc lộ mình là đồng tính ái nam, đồng tính ái nữ, song tính ái hay chuyển giới. Một tuyên bố như thế đôi khi có thể đưa tới những vấn đề với gia đình, người chủ thuê làm, hay bạn bè, và do đó có thể là một bước đi khó khăn, ngay cả đối với những người chấp nhận và thoải mái với định hướng giới tính của mình. Cũng gọi là coming out of the closet (ra khỏi phòng kín).

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 24)

    Hoàng Hưng

    241. Cognitive structure: Cấu trúc nhận thức

    – Một khung, mẫu, hay sơ đồ tâm trí duy trì và tổ chức một khối thông tin liên hệ đến một chủ đề cụ thể. Khi cần đến một cấu trúc nhận thức, như trong một đo nghiệm ở trường học, cá nhân được cho là sẽ đi vào tìm kiếm trong trí nhớ, cấu trúc nhận thức được cất giữ trong đó sẽ được lấy ra và áp dụng vào yêu cầu hiện tại.

    – Một cấu trúc hợp nhất của các thực kiện, niềm tin và thái độ về thế giới hay xã hội.

    242. Cognitive style: Phong cách nhận thức

    Phương thức đặc trưng của cá nhân trong việc tri nhận, suy nghĩ, nhớ lại, và giải quyết vấn đề. Các phong cách nhận thức có thể khác nhau về những yếu tố hay hoạt động ưa thích, như làm việc tập thể so với làm việc riêng rẽ, hoạt động có cấu trúc cao hay thấp, mã hoá bằng thị giác hay ngôn từ. Những chiều kích khác nhau khác của phong cách nhận thức là tính suy tư-tính bị thôi thúc, thái độ trừu tượng-thái độ cụ thể… Cũng gọi là learning style (phong cách học tập), thinking style (phong cách tư duy).

    243. Cognitive therapy: Liệu pháp nhận thức

    Một hình thức liệu pháp tâm lý nhắm sửa đổi niềm tin, sự trông mong, giả định và phong cách suy nghĩ của con người, dựa trên giả định rằng những vấn đề tâm lí thường bắt nguồn từ các mẫu tư duy sai lạc và tri nhận méo mó về thực tại, có thể nhận dạng và sửa chữa. Đã được áp dụng đặc biệt vào việc chữa trị chứng trầm cảm. Hình thức đầu tiên được sử dụng rộng rãi, tuy không được gọi tên là liệu pháp nhận thức, là rational emotive therapy – liệu pháp xúc cảm lí tính (RET) và thành phần có ảnh hưởng nhất của một hình thức về sau, phức hợp hơn, là của nhà tâm thần học Mĩ Aaron Temkin Beck (1921-). Beck là người đầu tiên gợi ý trong sách Depression: Clinical, Experimental and Theoetical Aspects (Trầm cảm: các khía cạnh lâm sàng, thực nghiệm và lí thuyết (1967) rằng những người dễ trầm cảm có xu hướng có những sơ đồ tự nhận thức tiêu cực xoay quanh những giả định về sự bất cập, thất bại, mất mát, và không có giá trị; Beck cho rằng những niềm tin ấy là không thực và thiên kiến, nhưng nghiên cứu đi vào thực trạng của chứng trầm cảm lại cho thấy sự đối lập.

    244. Cognitivism: Thuyết duy nhận thức

    Một quan điểm Tâm lý học cho rằng nghiên cứu nhận thức dễ đưa tới sự hiểu rộng hơn về tâm lí con người. Đối lập với behaviorism, behaviourism (thuyết duy hành vi).

    245. Cold cognition: Nhận thức lạnh

    Một tiến trình hay hoạt động tâm trí không dính vướng vào tình cảm hay xúc cảm. Chẳng hạn, đọc một loạt âm tiết vô nghĩa hay những mẩu thông tin bịa đặt hay không xác thực.

    246. Collective guilt: Tội tập thể

    – Trạng thái cảm xúc khó chịu liên quan đến nhận thức được chia sẻ rằng nhóm hay hội đoàn của mình đã vi phạm những nguyên tắc đạo đức hay xã hội, đi cùng với sự hối hận.

    – Ý nghĩ, thường được xem là giả tạo và có hại, rằng các thành viên của một nhóm có thể phải chịu trách nhiệm vì những vi phạm chuẩn mực hay luật lệ của những thành viên khác trong nhóm.

    247. Collective hysteria: Chứng hysteria tập thể

    Sự bùng phát bộc phát trong một nhóm hay cộng đồng xã hội những suy nghĩ, tình cảm, hay hành động không thể xếp loại. Bao gồm chứng ốm tâm lí, ảo giác tập thể, và những hành động kỳ dị. Chẳng hạn những cuồng hứng hay hoảng loạn lan nhiễm: Dance epidemics (dịch nhảy nhót) thời Trung đại, Tulipmania TK 17 ở Hà Lan (Cuồng hứng hoa tulip, khi giá một số loài hoa tulip bị thổi lên cao ngất rồi sụp đổ – [Sài Gòn trước 1975 có vụ tương tự với trứng cút], phong trào cuồng đọc sách năm 1938 với cuốn War of the Worlds (Chiến tranh giữa các thế giới) của Orson Wells. [Trong chiến tranh Việt Nam 1960-1975 có hiện tượng cười, khóc tập thể của các toán nữ thanh niên xung phong miền Bắc]. Cũng gọi là group hysteria (hysteria nhóm), mass hysteria (hysteria đại chúng).

    248. Collective monologue: Độc thoại tập thể

    Một hình thức diễn ngôn ngã qui (duy kỉ) trong đó trẻ 2-3 tuổi nói với nhau mà không có vẻ giao tiếp một cách có nghĩa, lời của một đứa trẻ dường như không liên hệ gì đến những trẻ khác. Cũng gọi là pseudoconversation (đối thoại giả), được Jean Piaget mô tả đầu tiên.

    249. Collective self-esteem: (sự) Tự đánh giá tập thể

    Sự tự đánh giá chủ quan của cá nhân về phần self-concept (khái niệm tự thân) dựa trên tư cách thành viên của mình trong các nhóm xã hội, bao gồm gia đình, bè lũ, khu liên gia, bộ tộc, thành phố, xứ sở, và vùng. Tự đánh giá tập thể thường được đo bằng Collective Self-Esteem Scale (Thước đo Tự đánh giá tập thể – CSES) năm 1992 của các nhà Tâm lý học xã hội Riia K. Luhtanen và Jennifer Crocker (1952-). Người tham gia sẽ đánh giá tư cách thành viên nói chung qua 4 tiểu cân: tự đánh giá tư cách thành viên của mình, đánh giá giá trị của nhóm, đánh giá kiến giải của những người khác về nhóm, và tầm quan trọng của nhóm đối với căn tính của mình.

    250. Collective unconscious: Cái vô thức tập thể

    (trong Tâm lý học phân tích): Một phần của cái vô thức bổ sung cho cái vô thức cá nhân, gồm những kí ức, bản năng và kinh nghiệm được mọi người chia sẻ. Theo Carl Gustav Young (1875-1961), những yếu tố tâm trí ấy được thừa kế và rồi được tổ chức thành các cổ mẫu, và trở thành hiển hiện trong giấc mơ, truyện cổ tích, huyền thoại, tôn giáo và những hiện tượng văn hoá khác. Cũng gọi là objective psyche (cái tâm khách quan), racial memory (ký ức giống loài), racial unconscious (cái vô thức giống loài).

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 23)

    Hoàng Hưng

    231. Cognitive-affective personality system: Hệ nhân cách nhận thức-tình cảm

    Một quan niệm lí thuyết về cấu trúc nhân cách trong đó nhân cách được nhìn như một hệ phức hợp gồm số lớn những xu hướng nhận thức và tình cảm nối kết lẫn nhau một cách cao độ (được phát triển bởi các nhà Tâm lý học về nhân cách người Mĩ Walter Mischel (1930-) và Yuichi Shoda).

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ22)

    Hoàng Hưng

    221. Circular reaction/ reflex: Phản ứng/ Phản xạ quay lại

    (Trong lý thuyết phát triển nhận thức của Jean Piaget): Hành vi lặp lại của đứa trẻ trong giai đoạn cảm giác-vận động, có đặc trưng là những phản ứng quay lại cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Giai đoạn cấp 1 là những hành vi lặp lại vô hiệu; giai đoạn cấp 2 là việc lặp lại những hành động theo sau sự củng cố, điển hình là không có việc hiểu quan hệ nhân quả; giai đoạn 3 là việc lặp lại thao tác với đồ vật, điển hình là với những biến dạng hơi khác nhau giữa những hành vi tiếp sau.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 21)

    Hoàng Hưng

    211. Central-tendency error: Lỗi hướng tâm

    Lỗi đánh giá, phán xét không phản ánh chuẩn xác toàn bộ phạm vi những đánh giá có thể có, có thể xảy ra, vì những sự đánh giá phán xét này bám chặt xung quanh điểm trung bình hay điểm giữa hơn là nhìn rộng ra một cách đa dạng.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 20)

    Hoàng Hưng

    201. California psychological inventory: Danh mục tâm lý học Cali

    Một đo nghiệm nhân cách được sử dụng rộng rãi dưới hình thức bảng câu hỏi tự khai, gồm 434 câu hỏi có/không, như “tôi thích tụ họp chỉ vì được gặp mọi người”… do nhà tâm lý học người Mĩ Harrison G. Gough (1921-2014) xây dựng, công bố lần đầu năm 1956/57. Được thiết kế để đo những khái niệm sử dụng trong việc mô tả nhân cách trong đời sống hàng ngày, thoạt đầu có 18 điểm số, năm 1987 thêm 2: Ưu thế (Dominance; viết tắt: Do); Năng lực đạt vị thế (Capacity for Status (Cs); Giao tiếp xã hội (Sociability (Sy); Bộ mặt xã hội (Social Presence (Sp): các nhân tố liên quan đến sự đàng hoàng, phản ứng nhanh nhạy, tự tin trong tương tác xã hội; Tự chấp nhận (Self-Acceptance (Sa): các nhân tố như tinh thần tự biết giá trị, năng lực độc lập suy nghĩ và hành động; Độc lập (Independence (In), Đồng cảm (Empathy (Em); Trách nhiệm (Responsibility (Re), Xã hội hoá (Socialization (So): trình độ trưởng thành về xã hội, công chính, ngay thẳng; Tự kiểm soát (Self-Control (Sc); Ấn tượng tốt (Good Impression (Gi); Tính cộng đồng (Communality (Cm); Tinh thần an lạc (Sense of Well Being (Wb); Bao dung (Tolerance (To); Thành tựu qua sự tương hợp (Achievement via Conformance (Ac); Thành tựu qua sự độc lập (Achievement via Independence (Al); Hiệu năng trí tuệ (Intellectual Efficiency (le); Ý thức về tâm lí (Psychological – Mindedness (Py): mức độ quan tâm và đáp ứng với những nhu cầu, động cơ nội tại và với những trải nghiệm của người khác; Uyển chuyển (Flexibility (Fx); Tính nữ/nam (Femininity/Masculinity (F/M). Viết tắt: CPI.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 19)

    Hoàng Hưng

    191. Bottleneck theory: Thuyết cổ chai

    Bất kì thuyết nào về sự chú ý, theo đó mọi thông tin đến với ta đều tới một mức độ nhất định sẽ được chọn lọc một phần để chú ý (giống như chỗ thắt cổ chai).

    192. Bottom-up processing: (sự) Xử lí lộn ngược

    Xử lí thông tin đi từ dữ liệu trong kích thích ở đầu vào đến các tiến trình cao hơn, như nhận ra lại, diễn giải và xếp loại. Ví dụ: Trong thị ảnh, các nét được kết hợp thành vật thể, vật thể kết hợp thành quang cảnh, việc nhận ra lại những cái ấy chỉ dựa trên thông tin trong kích thích ở đầu vào. Điển hình là các cơ chế tri nhận hay thức nhận (nhận thức) sử dụng việc xử lí lộn ngược khi thông tin không quen thuộc hay quá phức hợp.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 18)

    Hoàng Hưng

    181. Blaming the victim: Trách cứ nạn nhân

    Một hiện tượng tâm lí xã hội, trong đó các cá nhân hay nhóm toan tính ứng phó với những việc tồi tệ xảy ra cho những người/nhóm người khác bằng cách trách cứ nạn nhân. Họ cho rằng người gặp một bất hạnh, tai hoạ chắc phải từng làm chuyện gì sai để đáng phải chịu hậu quả. (liên tưởng tới suy diễn “trả quả” theo thuyết Phật giáo dân gian – ND). Việc trách cứ nạn nhân được dùng để tạo ra khoảng cách tâm lí giữa người trách cứ với nạn nhân, có thể hợp lí hoá sự không can thiệp hoặc can thiệp thất bại nếu người trách cứ là kẻ chứng kiến, và tạo ra một sự tự vệ về tâm lí cho người trách cứ trước cảm nhận về trách nhiệm của mình.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 17)

    Hoàng Hưng

    171. Behaviour therapy: Liệu pháp hành vi

    Một bộ sưu tập những kĩ thuật của liệu pháp tâm lí nhắm thay đổi các mẫu hành vi kém thích nghi hay không mong muốn, đặc biệt thông qua việc áp dụng các nguyên tắc điều kiện hoá và học tập. Giả định cơ bản là phần lớn các hình thức rối loạn tâm trí có thể được diễn gỉai như các mẫu hành vi kém thích nghi, những mẫu này là kết quả của các quá trình học tập, và việc xử lí đúng đắn những rối loạn ấy bao gồm xoá bỏ việc học những mẫu hành vi này và học những mẫu mới. Cũng gọi là behaviour modifications (sửa đổi hành vi).

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 16)

    Hoàng Hưng

    161. Bathyaesthesia: Nội cảm

    Cảm giác từ những cơ quan tiếp nhận bên trong cơ thể.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 15)

    Hoàng Hưng

    151. Automatism: Hành vi tự động

    Hành vi thực hiện không có ý thức hay kiểm soát, như trong mộng du, thôi miên, những trạng thái mất nhận biết về tính cách bản thân (fugue states) hay một số hình thức mất nhận thức (epilepsy).

    152. Automnesia: Sự nhớ lại bột phát

    Những kí ức từ thời kì trước đây của cuộc đời bột phát sống lại.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lí học (kỳ 14)

    Hoàng Hưng

    141. Attitude similarity hypothesis: Giả thuyết tương tầm

    Cho rằng người ta có xu hướng bị hấp dẫn về phía những ai chia sẻ thái độ và các giá trị của mình trong những địa hạt quan trọng. Giả thuyết được nâng đỡ một cách nhất quán từ các khảo sát theo kinh nghiệm. Cũng gọi là similarity-attraction hypothesis (Giả thuyết hấp dẫn bởi thái độ). So sánh với Need complementary hypothesis (Giả thuyết bổ sung theo nhu cầu – thiếu cái gì tìm cái ấy). [Việt Nam có những thành ngữ: ‘ngưu tầm ngưu mã tầm mã’, ‘đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu’- ND]

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lí học (kỳ 13)

    Hoàng Hưng

    131. Associationnism: Thuyết liên kết

    Một học thuyết Tâm lý học nói về sự hấp dẫn giữa các yếu tố và ý tưởng trong tâm trí, được gợi ra trong một chương nhan đề “Về sự liên kết các ý tưởng” của triết gia duy nghiệm người Anh John Locke (1632-1704) mà ông đưa thêm vào lần tái bản năm 1700 của cuốn “Essay Concerning Human Understanding – Luận về sự hiểu của con người” (xuất bản lần đầu năm 1690). Học thuyết được phát triển bởi triết gia người Scotland, James Mill (1773-1836) và con trai ông John Stuart Mill (1806-73). Theo đó, các trải nghiệm tâm trí nằm ở những cảm giác sơ khởi khi các giác quan được kích thích, và các ý tưởng là những suy nghĩ và kí ức được trải nghiệm khi không có kích thích giác quan. Các ý tưởng có xu hướng trở nên liên kết với nhau.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lí học (kỳ 12)

    Hoàng Hưng

    121. Aptitude: Khả năng

    Sự thích hợp, năng lực tự nhiên hay năng lực học; đặc biệt (trong tâm lí học): tiềm năng [hơn là năng lực hiện hữu] để thực hiện một nhiệm vụ hay chức năng về thể chất hay tâm trí, hoặc sự kết hợp giữa hai thứ (nếu được học hành hay huấn luyện).

    Khác với ability (năng lực): kĩ năng đã phát triển, năng lực hay sức mạnh để làm một việc; đặc biệt (trong tâm lí học): năng lực hiện hữu để thực hiện một nhiệm vụ, chức năng… mà không cần có thêm sự học hành hay huấn luyện.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 11)

    Hoàng Hưng

    101. Anosognosia: Sự mất khả năng (hoặc từ chối) nhận ra tình trạng khiếm khuyết về cảm giác hay vận động của bản thân, thậm chí không nhận ra một bộ phận của cơ thể mình.

    102. Anticipatory socialization: Sự xã hội hoá tiên hành

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 10)

    Hoàng Hưng

    91. Aniconia: Sự thiếu vắng trí tưởng tượng

    92. Anima: Nữ tính trong vô thức người nam

    [Trong tâm lý học phân tích (Carl Gustav Young)]: Nguyên lý nữ tính trong vô thức người nam, một cổ mẫu làm thành một phần của vô thức tập thể, thể hiện khía cạnh nữ tính trong bản chất con người, với đặc điểm là óc tưởng tượng, phóng tưởng, và chơi vui, biểu hiện trong giấc mơ, trong những ảo tưởng…

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 9)

    Hoàng Hưng

    81. Anamnesis: Sự nhớ lại/ khả năng hồi tưởng

    Anamnestic (adj): dễ nhớ.

    82. Anankastic personality disorder: Rối loạn nhân cách ám ảnh-cưỡng chế

    Cũng gọi là obcessive-compulsive personality disorder.

    83. Anaphia: Sự mất xúc giác

    84. Anarthria: Sự mất khả năng nói năng mạch lạc

    85. Ancient mariner effect: Hiệu ứng cựu thuỷ thủ

    Xu hướng thích bộc lộ những chuyện thầm kín với người lạ hơn là với người quen.

    86. Androgynous (adj): Lưỡng tính (ái nam ái nữ)

    Lưu ý: không nhầm với androgenous: (tình trạng) chỉ sinh được ra con trai.

    87. Andropause: Sự suy giảm tính dục nam

    Chủ yếu do giảm lượng testosterone trong máu (khoảng 1% mỗi năm từ tuổi 40). Đối lập với tình trạng menopause ở nữ (mãn kinh).

    88. Anergia: Sự lờ phờ, thiếu hoạt động

    89. Angst: Sự lo âu vô cớ

    – Cảm giác lo âu vu vơ.

    – [trong chủ nghĩa hiện sinh nói chung và liệu pháp hiện sinh nói riêng] Nỗi sợ xuất phát từ việc nhận thấy sự sinh tồn dẫn tới một tương lai bất định.

    – [trong phân tâm học] Sự lo âu (tình trạng trông đợi hiểm hoạ xảy ra hay chuẩn bị cho nó); phân biệt với fright: sự hoảng sợ – tình trạng lâm vào hiểm hoạ mà không có sự chuẩn bị; với fear: sự sợ hãi [sợ một cái gì xác định].

    90. Anhedonia: Sự mất lạc thú

    Sự mất khả năng cảm nghiệm lạc thú hay mất khả năng hứng thú với những hoạt động khoái lạc cũ.

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 8)

    Hoàng Hưng

    71. Amnesia: Sự mất trí nhớ

    Những dạng mất trí nhớ phổ biến nhất tác động đến trí nhớ tuyên bố (declarative memory) [trí nhớ về những tuyên bố hay tường thuật, mô tả] hơn là trí nhớ qui trình (procedural memory) [như kĩ năng, thói quen…]

    72. Amorphognosia: Sự mất xúc giác hình thể

    Sự mất khả năng nhận ra kích cỡ và hình dạng các vật qua xúc giác.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 7)

    Hoàng Hưng

    61. Alogia: Chứng vụng nói

    Thường liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt, biểu hiện ở sự nghèo nàn trong vốn từ ngữ hay nội dung lời nói

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lí học tiếng Anh (kỳ 6)

    Hoàng Hưng

    51. Alcohol hallucinosis: Ảo giác do bỏ rượu.

    Một rối loạn có đặc điểm là những ảo giác thính giác tuy không bị mờ ý thức, thường xảy ra trong những ngày đầu cữ rượu sau thời gian dài lạm dụng.

    52. Alexia: Sự mất khả năng đọc

    Cũng gọi là dyslexia.

    53. Alexic acalculia: Sự suy giảm khả năng đọc các chữ số.

    Cũng gọi là alexia for numbers.

    54. Alexithymia: Chứng khó mô tả hay nhận ra cảm xúc.

    Một dạng rối loạn tình cảm và nhận thức: khó mô tả hay nhận ra cảm xúc của chính mình, suy giảm đời sống tình cảm và trí tưởng tượng.

    (more…)

  • 2000 thuật ngữ tâm lí học tiếng Anh (kỳ 5)

    Hoàng Hưng

    41. Agression: Sự xâm kích (xâm hấn), sự hung hăng.

    Hành vi có mục đích trước nhất hay duy nhất là làm tổn hại người (hay tổ chức) khác, về mặt thể chất hay tinh thần.

    42. Agitated depression: Trầm cảm kích động.

    Dạng trầm cảm đi kèm với sự kích động mang tính tâm vận động (psychomotor agitation: vận động quá khích, đi kèm với sự lo âu, căng thẳng).

    (more…)